Vốn là học sinh chuyên Anh, nhưng Long và Thái rất yêu thích nghiên cứu, sáng chế khoa học. Năm 2016, khi xem trên báo thấy cảnh người dân miền Trung chống chịu với trận lụt lớn, các em nhỏ ngồi trên tấm xốp trôi nổi, bà cụ ngồi trên giường chờ nước rút, Thái nảy ra ý tưởng kết hợp chiếc giường với các tấm xốp. "Em thấy cần tạo ra một sản phẩm gì đó để giảm thiểu rủi ro cho bà con miền Trung", Thái chia sẻ.
Trăn trở của hai học trò được cô giáo Nguyễn Vũ Ánh Tuyết, giáo viên Vật lý nhiệt tình hỗ trợ. Cô chia sẻ, là người miền Nam cũng hay chịu nước ngập do thủy triều, cô xúc động khi học trò dù sống ở vùng hiếm khi ngập lụt nhưng biết lo cho bà con miền Trung. Dự án ban đầu có tên "Giường cứu sinh" nhưng sau được đổi thành "Giường cứu sinh chủ động" cũng là gợi ý của cô với hy vọng người dân có thể chủ động ứng phó với lũ lụt.
Giường dài 2,1 m, rộng 1,2 m, cao khoảng 40 cm gồm 4 khối xốp đặt dưới gầm. Mùa nước cạn, tấm xốp có thể tháo rời, khi nước lũ về, xốp được lắp vào gầm giường, gia cố chắc chắn bằng các thanh thép, đinh ốc và chốt nối.
Hai em cho biết ý tưởng làm thuyền hay bè nổi chống lũ có lẽ không mới nhưng cái mới ở sản phẩm này là chiếc giường gắn liền với cuộc sống của mỗi gia đình có thể cải tiến thành vật cứu sinh từ những vật liệu giá rẻ, dễ kiếm như xốp, chai nhựa rỗng, thùng phuy…
Một chiếc giường khi nước ngập mấp mé mặt giường có tải trọng 945 kg, tương đương chở được 5-9 người cùng một số vật dụng thiết yếu. Vào mùa lũ, có thể ghép nhiều giường đơn vào thành một tấm lớn bằng các bản lề, chốt nối.
"Nhựa thì không rẻ so với gỗ, nếu nhựa tốt có khi còn đắt hơn nên chúng em dùng gỗ để thử nghiệm và tiến tới dùng vật liệu khác sau. Gỗ cũng được người dân dùng nhiều và an toàn", Thái chia sẻ.
Giường cứu sinh được cải tiến từ chiếc giường cũ nên tổng chi phí tính cả công là 1,5 triệu đồng. Nếu sản phẩm có thể nhân rộng ra thị trường, giá làm mới sẽ vào khoảng một triệu đồng, "rẻ hơn nhiều so với chiếc giường thông thường mà còn có thể chống lũ".
Hai em mất khoảng 5 tháng để làm được chiếc giường này từ lúc lên ý tưởng. Khó khăn nhất là "làm sao để sản phẩm vừa tiện dụng, vừa tiết kiệm". Kỷ niệm đáng nhớ nhất của hai cậu trò là lần thử nghiệm đầu, khi đứng lên giường và trượt chân ngã xuống nước lạnh giữa mùa đông.
"Chúng em lúc nào cũng muốn cải tiến nó vì biết thực tế còn nhiều yếu tố khác như gió, dòng chảy… khó đoán định", Long nói và cho biết ấp ủ ý tưởng thiết kế thêm mỏ neo ở bốn góc nhằm cố định giường khi dòng nước chảy xiết. Cùng với việc thêm cột để căng bạt, Long và Thái hy vọng chiếc giường sẽ ngày càng có tính ứng dụng cao hơn.
Chủ nhân của chiếc giường cứu sinh - Huy Long và Quang Thái đều là học sinh trường THPT chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. |
Đầu tư chế tạo giường trong nhiều tháng nhưng Long và Thái cho biết rất vui khi bà con miền Trung có thể nhìn vào đó để tự chế giường cứu sinh cho riêng mình bằng những vật dụng đơn giản, dễ kiếm ở địa phương thay vì mua nhiều sản phẩm với giá thành cao./.