Khúc bi tráng về 12 liệt sỹ cùng tên Lê Tôn Hy ở nghĩa trang liệt sỹ xã Long Hưng.

Thứ 2, 24.07.2017 | 14:42:47

Điều đặc biệt mà ít nơi nào có, là tại nghĩa trang liệt sỹ xã Long Hưng huyện Văn Giang, cùng với hàng trăm liệt sỹ khác thì có 12 liệt sỹ hiện đang yên nghỉ ở đây đều mang cùng tên họ là Lê Tôn Hy. 

       

 Một trong 12 phần mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ Long Hưng mang tên Lê Tôn Hy

 Không giống như các nghĩa trang liệt sỹ khác, khi bộ đội hy sinh chưa biết tên họ, thường được đề trên bia mộ là “liệt sỹ vô danh” hay “liệt sỹ chưa biết tên”, thế nhưng, 70 năm từ ngày các anh hy sinh và  hơn 60 năm qua, kể từ khi các liệt sỹ chưa biết tên được chính quyền và nhân dân quy tập về nghĩa trang liệt sỹ xã Long Hưng, huyện Văn Giang, 12 liệt sỹ đều mang chung một cái tên: Lê Tôn Hy.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Văn Giang,  ngày 25/7/1947 được tin báo địch sẽ về đóng đồn tại Công Luận, nay là thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang. Tiểu đoàn 56 Quân khu Tả ngạn do đồng chí Lê Tôn Hy chỉ huy đang đánh địch tại tỉnh Hải Dương nhận lệnh dẫn một đại đội về Văn Giang chặn địch. Anh bố trí trận địa mai phục tại khu vực cống Xuân Quan.

   Khi bị thua trận đầu, địch cay cú bố trí quân số đông và hỏa lực mạnh từ nhiều ngả để đánh quân ta.

 Cụ Nguyễn Văn Mùi, 97 tuổi,  ở thôn Như Phượng Thượng, xã Long Hưng, là cán bộ tiền khởi nghĩa, người trực tiếp dẫn đường và tham gia trận đánh do đồng chí Lê Tôn Hy chỉ huy năm đó nhớ lại:“  Lê Tôn Hy là chỉ huy, nên quyết định cùng  một tiểu đội quyết tử chốt  lại chặn địch và thu hút  lực lượng  kẻ thù về phía mình để lực lượng của ta rút khỏi vùng nguy hiểm đang bị các gọng kìm với hỏa lực mạnh của địch xông tới”     .

 Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt và chênh lệch. Địch quân đông, vũ khí hiện đại nên  nhanh chóng áp đảo quân ta. Khi bắn hết đạn, các chiến sĩ của ta lấy báng súng, lưỡi lê đánh địch giáp lá cà. Có chiến sĩ  cầm lựu  đạn đập vào đầu địch để cùng chết. Có người vừa rút chốt lựu đạn đã bị địch bắn ngã, anh nằm đè lên quả lựu đạn và tắt thở, khi  địch hất anh lên để nhìn mặt thì quả lựu đạn  nổ tung  khiến hắn bị thương. Có chiến sĩ bị thương nặng, khi thấy địch đến gần  đã chồm dậy  cắn cổ giặc khiến chúng kinh hoàng. Có người bắn hết đạn nhẩy lên đâm lê vào bụng kẻ thù, thằng giặc phía sau bắn anh chết trong tay vẫn nắm chặt  súng lê và cùng ngã với tên giặc mà anh đâm trúng.

Hơn một tiểu đội Vệ quốc đã hy sinh trong tư thế kiên cường bất khuất, Lê Tôn Hy gục ngã, tay còn nắm chặt khẩu súng hết đạn. Theo một số nhân chứng kể lại, thì trận đánh đó, và đặc biệt là khúc bi tráng hy sinh dũng cảm lẫm liệt của tiểu đội do Lê Tôn Hy chỉ huy đã gây sự hoang mang tột độ cho kẻ thù.

 14 chiến sĩ hy sinh được chuyển về đình thôn Ngọc Bộ xã Long Hưng. Nhân dân các thôn đã hiến gỗ dự trữ, chặt cây gạo để chuẩn bị quan tài cho các liệt sỹ.  Để đảm bảo bí mật,  nên khi hành quân trong người các anh không ai có giấy tờ gì. Mọi người chỉ biết tên của người chỉ huy Lê Tôn Hy  và chiến sĩ liên lạc, còn  lại không ai biết họ tên, quê quán, hoàn cảnh gia đình thế nào.

Thi hài Lê Tôn Hy được đưa về quê vợ tại xã Nhật Tân  huyện Tiên Lữ an táng, còn 13 chiến sĩ  được chôn rải trên cánh đồng làng.  Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954,  nhân dân xã Long Hưng qui tụ các liệt sĩ vào nghĩa trang, 12 ngôi mộ đều mang một tên chung “Liệt sĩ Lê Tôn Hy”.

 Lãnh đạo huyện Văn Giang, xã Long Hưng thắp hương tại phần mộ liệt sỹ Lê Tôn Hy

Theo hồi ký của nhạc sỹ Phạm Duy, Lê Tôn Hy là con trai Tổng đốc Hưng Yên Lê Đình Trân, học tại Hà Nội, nhưng anh có lòng yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng, căm thù giặc Pháp xâm lược. Anh hy sinh trong tiếc thương vô hạn của cả Tiểu đoàn và nhân dân trong tỉnh. Sau này, trong phong trào du kích Hoàng Ngân ở Hưng Yên, còn phát động nhiều trận đánh Pháp trả thù cho Lê Tôn Hy và các đồng đội của anh đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đó.  Ca ngợi chiến tích này, tác giả Lê Huy Biên và Nguyễn Ngọc Tâm đã sáng tác ca khúc “Bài ca Lê Tôn Hy” được phổ biến rộng rãi trong tỉnh, trong đó có đoạn:

Lê Tôn Hy, người anh hùng muôn thuở

Lê Tôn Hy người đã thác oai hùng

Anh mất đi trong mùa thu tháng tám

Trên con đường Công Luận, Văn Giang.

Anh chết đi mang nặng nỗi hờn căm 

Chúng tôi đây, tiểu đoàn 56 .

Quyết tâm thề lấy máu rửa hồn anh! ….

 Ông Lê Văn Tạc, Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng, huyện Văn Giang cho biết. Tự hào là xã được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có các liệt sỹ quyết tử, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước, nhiều năm qua, xã Long Hưng thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm, giao lưu nhằm giáo dục truyền thống bất khuất vẻ vang, anh dũng hy sinh của các thế hệ cha nha cho lớp trẻ hôm nay.

 

Nhiều thế hệ người dân xã Long Hưng vào viếng nghĩa trang liệt sỹ

Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng, nhưng hy sinh cùng ngày, các anh có tên họ riêng và đến từ nhiều miền quê khác, nhưng đều chung một lý tưởng và khi hy sinh lại cùng nhau mang chung tên họ Lê Tôn Hy. Cái tên Lê Tôn Hy sẽ  mãi là biểu tượng của tinh thần bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của anh Bộ đội Cụ Hồ, tô thắm thêm truyền thống của quê hương Hưng Yên giầu truyền thống Văn hiến và cách mạng. 

Bá Phước

 

 

Tin cùng chuyên mục

  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể

    Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể

     2 giờ trước

  • Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp

    Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp

     2 giờ trước

  • 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến công người Hưng Yên

    70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến công người Hưng Yên

     2 giờ trước

  • Tư vấn và điều triệu trị tập trung đối tượng nghiện ma tuý

    Tư vấn và điều triệu trị tập trung đối tượng nghiện ma tuý

     1 ngày trước

  • Hưng Yên đẩy mạnh thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

    Hưng Yên đẩy mạnh thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

     1 ngày trước