Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Tình trạng đó trở thành hồi chuông cảnh báo cần có những giải pháp quyết liệt từ chính mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội để bảo vệ, phòng chống tai nạn cho trẻ em .
Cần tăng cường công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em nhất là vào dịp hè
Đã hơn 2 tháng trôi qua, những người dân ở thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra vào ngày 1/3 vừa qua làm 5 em học sinh trên địa bàn bị thương vong. Trong đó có 1 em bị chết tại chỗ, 3 em khác bị chấn thương sọ não, 1 em bị dập gan phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Em Nguyễn Duy Hiếu sinh năm 2004 là một trong 4 em bị tai nạn may mắn đã thoát chết nhưng hậu quả để lại cho em và gia đình thì vô cùng nặng nề. Em bị chấn thương sọ não và gãy chân trái đã phải qua nhiều lần phẫu thuật mới bảo toàn được tính mạng.
Bà Nguyễn Thị Tú (bác của Hiếu) cho biết: "Sức khỏe của cháu hiện vẫn chưa bình thường, cháu yếu, vẫn hay đau. Gia đình cũng tốn kém nhiều về kinh tế. Tuần sau gia đình phải đưa cháu lên mổ để ghép xương sọ"
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn thương tích, làm chết 7 em. Trong đó tai nạn giao thông làm chết 2 em, còn lại là do đuối nước.
Huyện Phù Cừ có số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích nhiều nhất là 3 em. Huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, mỗi huyện 1 em, huyện Tiên Lữ 2 em… Đau buồn nhất là vụ đuối nước làm bé gái 2 tuổi ở huyện Phù Cừ tử vong do sự bất cẩn của người lớn.
Trẻ em không may tử vong để lại nỗi đau dai dẳng cho cha mẹ, người thân. Nhưng với những em bị thương nặng, ngoài sự đau đớn do vết thương hành hạ, thậm chí có những thương tật không thể phục hồi thì nỗi đau với các em không thể nói thành lời.
Sau tai nạn, hầu hết các em đều bị sang chấn tinh thần, phải điều trị tâm lý khá lâu. Điều này làm gián đoạn thời gian học tập và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Để giảm tai nạn thương tích ở trẻ em, thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, mỗi gia đình cũng cần phải có trách nhiệm hơn với trẻ nhỏ, không chỉ việc học hành, ăn uống mà phải chăm lo mọi sinh hoạt, nhất việc quản lý, giám sát trẻ ngoài thời gian ở trường. Mỗi địa phương cần xây dựng một cộng đồng an toàn cho trẻ, trong đó chú trọng đến việc giáo dục trẻ kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa thương tích nhất là vào mùa hè này khi mà tai nạn đối nước hay xảy ra.
Thu Hòa
1 giờ trước
2 giờ trước
2 ngày trước
2 ngày trước
2 ngày trước