Từ Trạm truyền thanh Hưng Yên đến Đài PT&TH Hải Hưng

Thứ 5, 15.06.2017 | 11:22:40

Nhân kỷ niệm  60 năm ngày phát sóng Phát thanh, 20 năm phát sóng Truyền hình Hưng Yên, xin giới thiệu về sự hình thành và phát triển của Đài PT&TH Hưng Yên trong chặng đường 60 năm qua, giai đoạn từ Trạm truyền thanh Hưng Yên ban đầu đến thời điểm hình thành, phát triển của Đài PT&TH Hải Hưng.

Từ 1957 - 1967, thông tin được truyền tải qua hệ thống truyền thanh

Năm 1957, tại thị xã Hưng Yên, trạm truyền thanh đã được Ủy ban Hành chính tỉnh cho lắp đặt gồm 1 máy tăng âm 50W  và 3 loa được lắp đặt. 1 loa 25W đặt tại bến ô tô cũ của thị xã - nay thuộc khu vực Quảng trường tỉnh. 1 loa 15W lắp đặt tại cổng Ủy ban Hành chính tỉnh, gần hồ Bán Nguyệt và 1 loa 15W nữa treo trước cửa hiệu sách Nhân dân ở đường Lê Lợi. Dù còn thô sơ, nhưng đó là dấu mốc cho sự ra đời và hình thành  hệ thống truyền thanh - phát thanh của tỉnh sau này. 

 Ông Lê Đình Phung, cán bộ Kỹ thuật Đài Truyền thanh Hưng Yên từ năm 1957 - 1964 cho biết: "Hồi đó thị xã Hưng Yên không có điện, không có phương tiện gì, tiếng loa truyền thanh vang vang từ đầu thị xã tới cuối thị xã thấy phấn khởi lắm."

Về nội dung phát sóng của đài, khi đó chủ yếu là đọc những chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy và của Uỷ ban Hành chính tỉnh, cán bộ kỹ thuật, kiêm luôn cả phát thanh viên. Những năm sau này, Đài được phân thêm người, có thêm phóng viên, phát thanh viên. Vì thế tin tức được cập nhật và phát vào buổi chiều hằng tuần. 

Ông Nguyễn Phúc Lai - nguyên phóng viên Đài Truyền thanh Hưng Yên năm 1967 nói: "Nhạc hiệu lúc đó là bản nhạc Bao chiến sĩ anh hùng, nhưng phát ra từ máy quay đĩa nên cũng xẹt xẹt lắm."

Hồi đó phương tiện thông tin hạn chế, khi phát triển hệ thống truyền thanh, ngoài tin tức truyền đi nhanh, lại có thêm các chương trình ca nhạc, phát hàng ngày vì thế nhân dân đã nhiệt tình đón nhận. Đài truyền thanh trở thành công cụ đắc lực của chính quyền tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành, phát động các phong trào thi đua xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, chi viện cho miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời là người bạn tâm tình không thể thiếu của nhân dân.  

Bà Nguyễn Thị Mai Vinh, Nguyên trưởng đài truyền thanh thị xã Hưng Yên kể lại: "Lúc đó, việc thông tin rất quan trọng, để thông báo cho người dân kịp thời đi sơ tán hay tuyên truyền những chủ trương, chính sách ngoại giao với các nước đều được thông báo qua hệ thống loa truyền thanh, được dân tình đón nhận rất hào hứng."

Năm 1994, Đài PTTH Hải Hưng đã phát hình buổi đầu tiên trong toàn tỉnh

Đến năm 1968, khi sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng, những nhà báo Đài truyền thanh Hải Hưng tiếp tục kề vai, sát cánh xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, xông xáo đi khắp các địa phương, phản ánh công cuộc xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.

Trong 29 năm hợp nhất, từ năm 1968 - 1997, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các giám đốc đài như: Lê Văn Bình, Phạm Văn Vịnh, Nguyễn Thanh Châu, Sái Văn Đồng, Nguyễn Văn Hình, Đài đã liên tục tăng thời lượng phát sóng, mở rộng chương trình truyền hình hiệu quả, bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, cổ vũ tinh thần chiến đấu, thống nhất đất nước, cùng công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, đổi mới đất nước.       

Cùng sự phát triển của khoa học, công nghệ, đến năm 1977, Đài được đổi tên là Đài Phát thanh Hải Hưng. Năm 1989, Đài được đổi thành Đài PT&TH Hải Hưng, cùng lúc làm 2 nhiệm vụ là báo nói và báo hình của tỉnh. Đến ngày 25/4/1994, Đài PT&TH Hải Hưng đã phát hình buổi đầu tiên trong toàn tỉnh.

Với việc được đầu tư cơ sở vât chất và trang thiết bị, Đài Hải Hưng không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, bám sát cơ sở và sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, phát hiện những điển hình hay, nhân tố mới, những tấm gương dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong sản xuất, cổ vũ công cuộc bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới phái Tây Nam. Đài đã cổ vũ công cuộc đổi mới đất nước, đồng thời mạnh dạn phê phán những tiêu cực trong xã hội. Vì thế những chương trình của Đài luôn được nhân dân đón nhận, trở thành công cụ đắc lực cho cấp ủy, chính quyền đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế địa phương.

Hùng Xướng

Tin cùng chuyên mục

  • Hội đồng hương Hưng Yên tại cộng hoà Séc ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ

    Hội đồng hương Hưng Yên tại cộng hoà Séc ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ

     6 giờ trước

  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại huyện Văn Giang

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại huyện Văn Giang

     16 giờ trước

  • Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của HĐND tỉnh khóa XVII dự kiến diễn ra từ ngày 10 - 12/12

    Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 của HĐND tỉnh khóa XVII dự kiến diễn ra từ ngày 10 - 12/12

     1 ngày trước

  • Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát trong phát triển KTXH

    Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát trong phát triển KTXH

     1 ngày trước

  • Bất cập trong quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hưng Yên

    Bất cập trong quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hưng Yên

     2 ngày trước