Tưởng niệm 20 năm ngày mất Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đón bằng di tích quốc gia khu lưu niệm TBT

Thứ 6, 27.04.2018 | 17:06:19

Sáng 27/4, tại xã Giai Phạm huyện Yên Mỹ diễn ra lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27/4/1998 – 27/4/2018) và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

>>> Xem lại truyền hình trực tiếp lễ tưởng niệm và đón bằng xếp hạng di tích tại đây.


Các đại biểu tiến hành lễ dâng hương tại nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trước khi tiến hành buổi lễ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gửi lẵng hoa và lễ kính dâng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.


Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự buổi lễ

Về phía tỉnh Hưng Yên có ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các nguyên Bí thư tỉnh ủy: Đặng Văn Cảo, Nguyễn Đình Phách, Cao Văn Cường, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Thông. Ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.


Các đại biểu tham dự buổi lễ

Trong diễn văn đọc tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và giới thiệu về khu lưu niệm Tổng Bí thư ở quê nhà xã Giai Phạm huyện Yên Mỹ.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (thường gọi là Mười Cúc), sinh ngày 1.7.1915 tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh trải rộng trên cả ba miền của đất nước, trong đó phần lớn thời gian gắn bó máu thịt với đồng bào miền Nam.


Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ đọc diễn văn tại buổi lễ

Đặc biệt, những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã góp phần quý báu giúp BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc Đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn một lòng hướng về quê hương với tình cảm sâu nặng. Từ năm 1967 đến năm 1997, đồng chí đã sáu lần về thăm, ba lần viết thư, gửi điện về quê hương Hưng Yên gửi gắm những tình cảm chân thành và căn dặn, động viên Đảng bộ và nhân dân quê nhà phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người có công với nước. 


Đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại buổi lễ

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên khu đất xưa của gia đình được khánh thành năm 2004, đến năm 2015 được nâng cấp, tu bổ, với diện tích trên 4.600 m2. Ngày 6-9-2017, nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Gần 70 năm hoạt động cách mạng, với hai lần bị thực dân Pháp giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, 30 năm trực tiếp chiến đấu ở chiến trường miền Nam gian khổ, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao khí phách, bản lĩnh kiên cường của người chiến sỹ cộng sản.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi lễ

“Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhớ tới một nhân cách lớn, một người cộng sản mẫu mực, suốt đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, một nhà lãnh đạo kiên định, bản lĩnh và sáng tạo, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một con người giản dị, cần kiệm, ghét thói phô trương, hình thức; không ham quyền lực, địa vị; luôn sâu sát thực tiễn cuộc sống, lắng nghe và thấu hiểu khó khăn của nhân dân. Đồng chí là người con yêu quý, tự hào của quê hương Hưng Yên, của Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh, là người con ưu tú của Đảng ta, của đất nước ta” – ông Trần Quốc Vượng phát biểu.

Toàn văn phát biểu của Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng tại buổi lễ:

Bà Nguyễn Thị Bình – con gái thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng bày tỏ sự cảm ơn trước tình cảm chân thành, sự tri ân của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên đã tổ chức buổi lễ long trọng này.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng (thứ 3 phải sang) cùng đại diện ngành văn hóa, huyện Yên Mỹ, gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lên đón nhận bằng công nhận di tích

Tại buổi lễ lãnh đạo Bộ Văn hóa thể thao và du lịch trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. 

Cùng với buổi lễ tưởng niệm và đón bằng công nhận di tích, các đại biểu trung ương, địa phương cũng tiến hành lễ dâng hương tại phần mộ 2 cụ thân sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư, thăm nhà trưng bày lưu niệm, ghi sổ vàng lưu niệm và trồng cây hoàng lan trong khuôn viên khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. 


Một tiết mục văn nghệ tại buổi lễ với hình tượng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh do Nhà hát Chèo Hưng Yên dàn dựng, biểu diễn

>>> Xem thêm: Thăm khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Hoàng Linh

Tin cùng chuyên mục