Trong không khí kỉ niệm 43 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi người dân Việt Nam đều dâng lên niềm tự hào dân tộc. Với Đại tá Hoàng Trọng Cảnh, trong những ngày này, những kí ức chiến tranh lại ùa về, ông là một người lính có thâm niên 46 năm quân ngũ và trải qua các cuộc chiến sinh tử.
Đại tá Hoàng Trọng Cảnh ở xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào bên kỉ vật
Mặc dù đã ở tuổi 81 nhưng ông Cảnh vẫn nhớ chi tiết những sự kiện liên quan đến dấu mốc quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giai đoạn 1953 - 1980. Lòng ông lại trào dâng cảm xúc thiêng liêng, sống lại với những kỉ niệm chiến tranh vệ quốc.
Sinh ra và lớn lên tại thôn Dâu, xã Cẩm Xá huyện Mỹ Hào; năm 1953 khi vừa tròn 17 tuổi ông tham gia du kích xã. Một năm sau do dũng cảm, mưu trí ông được tuyển chọn lên huyện đội Mỹ Hào và tham gia nhiều trận đánh đồn diệt Pháp tại khu vực hai huyện Mỹ Hào và Văn Lâm.
Ông Cảnh kể lại: " Tháng 4 năm 1954 tôi tham gia trận phục kích ở xã Bạch Sam, từ cầu Lường một đại đội địch đi từ phía Sặt đi lên. Trận đó chúng ta chiến thắng. Sau đó tôi tham gia trận bốt Tân Lương trên đường sắt."
Năm 1956, ông chuyển lên tỉnh đội và được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân vào năm 1958. Tốt nghiệp năm 1961, ông được giữ lại làm giảng viên 10 năm và được Bộ Quốc phòng cử vào chiến trường Quảng Trị năm 1972 với nhiệm vụ trợ lý tác chiến Bộ Tư lệnh B5.
Năm 1978, ông lại được cử về trường học tiếp 1 năm và được chuyển về Cục quân huấn và đi huấn luyện quân các chốt tiền tiêu khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và xây dựng các chốt tại vùng I Hải quân. Từ năm 1981 - 1987, ông được cử sang nước bạn Camphuchia làm chuyên gia quân sự. Điều đặc biệt và đáng nhớ là tại đây ông và con trai trên cùng trận tuyến giúp nước bạn hồi sinh sau nạn diệt chủng.
"Khi chiến đấu tại Campuchia, tôi là cố vấn của Cục trưởng Cục huấn luyện, con trai tôi lúc đó khi học xong cũng sang Campuchia vào khu biên giới. Đang ở đơn vị chuyên gia, thấy con mình về tôi mừng quá vì con mình đã sống"
Năm 1990, Đại tá Hoàng Trọng Cảnh chuyển về Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam làm Trưởng phòng Tổng kết chiến tranh. Năm 1999, sau 46 năm tuổi quân, 61 năm tuổi đời ông mới chính thức nghỉ hưu. Với những đóng góp của mình, ông đã được Đảng, nhà nước ta cũng như Vương quốc Camphuchia tặng thưởng Huân chương Quân công Hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương hữu nghị....
Khi về quê sinh sống, với truyền thống bộ đội cụ Hồ, ông tham gia tích cực các phong trào địa phương, đặc biệt là các phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, luôn sống mẫu mực được chính quyền và người dân trong khu vực kính trọng.
Đoàn Kết
4 ngày trước
4 ngày trước
5 ngày trước
5 ngày trước
5 ngày trước