Thu gom, tái chế nhựa là công việc đem lại nguồn sống cho hàng nghìn lao động tại làng nghề Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm. Tuy nhiên, cùng với lợi ích về kinh tế, người lao động nơi đây cũng đang đối mặt với nguy cơ mất an toàn lao động cao.
Người lao động làm việc trong làng nghề Minh Khai chưa được bảo đảm an toàn
Gần 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Vy, thôn Minh Khai sinh hoạt với một cơ thể không trọn vẹn. Hai vụ tai nạn khi nghiền nhựa đã khiến chị mất bàn tay trái và một phần cánh tay phải.
Chị Vy cho biết: "Chồng tôi cũng bị tai nạn mất 3 ngón tay. Bản thân sức khỏe bị ảnh hưởng nên hiện tại không thể lao động khiến cho đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn."
Chị Nguyễn Thị Vy (áo hồng) bị tai nạn lao động từ 10 năm trước
Không riêng vợ chồng chị Vy, hơn 5.000 lao động tại làng nghề Minh Khai vẫn đang làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn, không được trang bị kiến thức và thiết bị bảo hộ lao động, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp như bệnh hô hấp, da liễu và ung thư.
Điều đáng nói là phần lớn lao động không được ký kết hợp đồng, không được đóng bảo hiểm xã hội. Nếu có tai nạn xảy ra, chịu thiệt thòi luôn là người lao động. Từ thực tế những vụ tai nạn, ý thức của một số người dân đã thay đổi nhưng cũng chỉ dừng ở việc hạn chế sản xuất thủ công hoặc trang bị thêm khẩu trang, găng tay.
Ông Phùng Văn Sơn, Bí thư chi bộ thôn Minh Khai nói: "Trước kia tai nạn nhiều do làm thủ công, nay tai nạn đã giảm do người dân đầu tư máy móc, trang thiết bị vào sản xuất".
Tại nạn lao động ở làng nghề Minh Khai trong thời gian qua quả thực đã giảm. Nếu trước đây, trung bình 1 năm, làng nghề xảy ra từ 1 đến 2 vụ tai nạn, thì khoảng 3 năm trở lại đây chưa xảy ra vụ việc nào. Tuy nhiên, môi trường lao động trong làng nghề cần được cải thiện nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động.
Phạm Hà
4 ngày trước
4 ngày trước
5 ngày trước
6 ngày trước
6 ngày trước