Tới thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hà Nội), người xem được giới thiệu về hiện vật là một chiếc đòn gánh cùng dòng chú thích: “Đòn gánh dùng làm vũ khí trong trận đánh bốt Phương Trù của bà Trương Thị Tám”. Để tìm hiểu kỹ hơn về hiện vật gắn với thành tích, chiến công của nữ du kích Hoàng Ngân, chúng tôi đã tới xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và được nghe bà Trương Thị Tám kể về câu chuyện “dùng đòn gánh đánh Tây” của bà và đồng đội trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nổi danh từ thuở “bẻ gãy sừng trâu”
Chúng tôi đến thôn Bắc Châu (xã Đông Kết) hỏi thăm nhà bà Trương Thị Tám, hầu hết người dân trong xã đều biết. Gặp bà Tám, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy bà trẻ hơn nhiều so với tuổi 84, nhất là khi được nghe bà kể lại về một thời trận mạc từng diễn ra cách đây hơn 6 thập kỷ.
Khi nghe chúng tôi nói về chiếc đòn gánh của bà hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Tám bảo: “Đó là "vũ khí" mà tôi đã sử dụng trong trận đánh bốt Phương Trù. Trận ấy sử sách ghi lại khá chi tiết. Đó cũng là kỷ niệm khó quên trong số hàng chục trận chiến đấu mà tôi và đồng đội tham gia trong vùng địch hậu”.
Bà Trương Thị Tám. Ảnh: VŨ MINH
Nữ du kích Trương Thị Tám (thứ hai, từ phải sang) và các nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh do nhân vật cung cấp
Chuyện bắt đầu từ cuối năm 1951, khi cô bé 17 tuổi Trương Thị Tám tình nguyện tham gia kháng chiến, xung phong vào đội du kích của xã. Trải qua các khóa huấn luyện, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, Trương Thị Tám sớm trở thành nữ du kích mưu trí, dũng cảm. Ngày ấy, mặc dù bốt Phương Trù thuộc xã Tứ Dân (huyện Khoái Châu), nhưng với tinh thần tìm địch mà đánh, Ban chỉ huy xã đội Đông Kinh (nay là xã Đông Kết) giao nhiệm vụ cho bà Tám nghiên cứu và tổ chức trận đánh tiêu diệt quân địch trên đê Phương Trù. “Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi cùng Ban chỉ huy xã đội chọn được 7 chị em trong xã, gồm: Đỗ Thị Bẩy, Đỗ Thị Sản, Đỗ Thị Mai, Đỗ Thị Hà, Đỗ Thị Sở, Đỗ Thị Lương, Đỗ Thị Thích bố trí thay phiên nhau đi chợ Phương Trù hoặc giả vờ đi cắt cỏ để tiếp cận vọng gác của địch”-bà Tám nhớ lại.
Sáng 20-6-1953, trên đê Phương Trù, nữ du kích Trương Thị Tám dẫn một tổ đi đầu, mang theo những gánh rau, chuối vào chợ bán, một tổ khác giả vờ cắt cỏ đi dưới chân đê, phía xa là hai anh bộ đội địa phương được cải trang thành phụ nữ, mang theo hai súng tiểu liên yểm trợ. Khi vừa đến chỗ tốp lính có khẩu súng trung liên, Trương Thị Tám bất ngờ hô to: “Xung phong...” rồi tuốt ngay đòn gánh phang vào đầu tên giữ khẩu trung liên. Hai chị Sản và Bẩy cùng lúc cũng rút đòn gánh đánh địch tới tấp. “Lúc đó, tôi xông vào cướp khẩu trung liên, vật tên này xuống bóp cổ. Hắn chống cự quyết liệt làm cả tôi và hắn lăn xuống dốc đê. Tên địch cắn mạnh vào tay tôi rồi vùng chạy. Mấy tên khác xúm vào cướp được khẩu trung liên, cùng lúc đó, các chị ở tổ cắt cỏ cũng lao lên và hô xung phong, dùng đòn gánh đánh vào bọn lính túi bụi. Hai anh bộ đội từ phía sau đồng loạt nổ súng, bọn địch hoảng hốt hô “Việt Minh đông quá!” rồi tháo chạy về bốt”. Trận đó, ta tiêu diệt 1 tên địch, làm 2 tên khác bị thương nặng, thu 1 khẩu súng trường, 1 máy điện đàm, 1 hòm đạn. Bốt Phương Trù sau đó bị ta bao vây và 20 ngày sau thì bị tiêu diệt hoàn toàn..."-bà Tám nhớ lại.
Sau này, khi tổng kết chiến tranh, Đại tá Võ An Đông, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hưng Yên, đã kể lại: “Hình ảnh các nữ du kích Khoái Châu dùng “đòn gánh đánh Tây” gây tiếng vang lớn, góp phần cổ vũ, động viên phong trào tìm địch mà diệt trong toàn huyện. Chiếc “đòn gánh đánh Tây” không còn là thứ vũ khí thô sơ mà trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng cho khí phách anh hùng, dũng cảm, táo bạo của các nữ du kích Hoàng Ngân”.
Năm 1966, khi về công tác tại Hưng Yên và được nghe kể về thành tích của nữ du kích Trương Thị Tám, nhà thơ Huy Cận đã viết tặng bà Tám bài thơ “Gái Bãi Sậy sông Hồng”: Đơn giản có gì đâu/ Con gái vùng du kích/ Tuổi bẻ gãy sừng trâu/ Đòn gánh dồn đánh địch…/ Kẻ thù dẫu thay vai/ Ta đâu ngừng đánh trận/ Hậu phương cũng pháo đài/ Chị vững vàng đòn gánh...
Bài thơ và bút tích của nhà thơ Huy Cận hiện vẫn được bà Tám trân trọng lưu giữ, trở thành kỷ vật khó quên về một thời “bẻ gãy sừng trâu” của bà và đồng đội.
Ba lần tham gia duyệt binh và sáu lần được gặp Bác
Sau trận diệt bốt Phương Trù, bà Tám cùng đồng đội còn tham gia hàng chục trận đánh khác và trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của địch. Trải qua các trận đánh, bà Tám nhiều lần bị thương và được xếp hạng thương binh 4/4. Do có thành tích xuất sắc trong kháng chiến, bà 3 lần được chọn là nữ du kích đại diện cho lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân tham gia Lễ duyệt binh tại Hà Nội trong các năm 1954-1956. Song, niềm vui lớn nhất đối với bà chính là 6 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
“Lần gặp Bác đầu tiên chính là kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi”-bà Tám bồi hồi nhớ lại. Đó là một ngày cuối tháng 8-1954, khi lần đầu tiên Trương Thị Tám rời lũy tre làng, tập trung cùng 100 chị em chuẩn bị cho Lễ duyệt binh mừng Ngày Quốc khánh. Vì có vóc dáng cao lớn, lại có khẩu khí to, rõ nên Trương Thị Tám được chỉ định làm tiểu đội trưởng, luôn đi đầu hàng quân và hô cho chị em tập luyện. Một hôm, đang trong giờ tập, bà thấy có ông cụ mặc quần áo gụ, đi dép cao su bước tới trước hàng quân. Vì đang mải tập nên Trương Thị Tám không chú ý. Giờ giải lao, bà mới thắc mắc hỏi chỉ huy. Đồng chí chỉ huy mỉm cười, bảo: “Cụ đấy!”. Bà Tám ngỡ ngàng hỏi: “Cụ nào ạ?”. “Cụ Hồ đấy, cô không nhận ra à?”. Quá cảm động và bất ngờ, nước mắt bà tự nhiên trào ra...
Hàng chục năm qua, kỷ niệm về 6 lần được gặp Bác, về 3 lần tham gia duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình đã trở thành những câu chuyện xúc động được bà Tám kể lại vào mỗi dịp các cơ quan, tổ chức mời bà tới giao lưu, gặp mặt.
Điều mong mỏi sau 40 năm
Từng nổi danh là một nữ du kích dũng cảm, đảm đang công tác xã hội và công việc gia đình nhưng ít người biết rằng, nữ du kích Trương Thị Tám đã sớm phải gánh chịu nỗi đau quạnh vắng từ khi còn rất trẻ. Cuối năm 1955, cô thôn nữ Trương Thị Tám xây dựng gia đình với chàng trai Đỗ Trọng Hội, người cùng xã, là bộ đội chống Pháp và vừa xuất ngũ sau ngày hòa bình lập lại. Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, năm 1968, bà Tám động viên chồng mình tái ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu.
Bẵng đi mấy năm (1969-1971), bà linh tính chuyện chẳng lành vì không nhận được thư từ, tin tức gì của chồng. Sốt ruột, bà lên cơ quan quân sự huyện, rồi lên tỉnh dò hỏi, mọi người đều bảo không biết. Bà trở về, tiếp tục đảm đang việc nước, việc nhà và không nguôi hy vọng, mong ngóng tin chồng. “Một hôm, tôi tới gặp các anh ở ủy ban xã, bảo: “Thôi, các anh đừng giấu tôi nữa. Tôi đã xác định tư tưởng rồi. Tin tức của chồng tôi cụ thể thế nào, các anh cứ thông báo để tôi được biết”-bà Tám kể lại chuyện xưa mà nước mắt lăn dài.
Cuối cùng, điều chẳng lành mà bà linh tính đã trở thành sự thật. Năm 1972, chính quyền địa phương chính thức thông báo tới gia đình và tổ chức lễ truy điệu cho chồng bà-liệt sĩ Đỗ Trọng Hội. Bà Tám đau xót nhận giấy báo tử của chồng và được biết người bạn đời của mình đã hy sinh từ năm 1969. Năm ấy, bà Tám gánh chịu nỗi đau mất chồng khi đang ở tuổi 39. Hình ảnh nữ Bí thư Đảng ủy xã Trương Thị Tám vấn khăn tang, tới các gia đình động viên họ đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ trở thành hình ảnh xúc động, lay động tâm can nhiều người dân trong xã..
Nén đau thương, mất mát, bà Tám dồn tất cả tâm trí, sức lực để thay chồng chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy 4 người con và tiếp tục tham gia công tác xã hội. Từ những chức vụ ngày đầu tham gia kháng chiến: Đội trưởng Đội du kích xã, Xã đội phó, Xã đội trưởng, bà được tín nhiệm bầu giữ chức Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã rồi là Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. 6 năm liên tục (1969-1974) bà được Bộ tư lệnh Quân khu Tả Ngạn và Bộ CHQS tỉnh Hải Hưng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 1985, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Giờ đây, khi đã nghỉ hưu và hằng ngày sum vầy cùng con cháu, bà Tám vẫn canh cánh một nỗi niềm, cũng là tâm nguyện mà hơn 40 năm qua bà và những người con đã nỗ lực thực hiện nhưng chưa thành. Đó là dù mong manh, nhưng bà vẫn luôn mong mỏi có được thông tin về phần mộ của người chồng liệt sĩ, để trong những năm cuối đời, bà sẽ được phần nào vơi bớt nỗi đau quạnh vắng…
Qua Báo Quân đội nhân dân, bà Tám mong muốn các đồng đội hoặc bạn đọc cả nước, ai biết thông tin về phần mộ của liệt sĩ Đỗ Trọng Hội (sinh năm 1934, quê quán: Thôn Trung Châu, xã Đông Kinh, nay là xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; nhập ngũ: Tháng 2-1952; tái ngũ: Tháng 9-1968; hy sinh ngày 15-10-1969. Cấp bậc, chức vụ trước khi hy sinh: Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng. Đơn vị: Đại đội 5, Tiểu đoàn 140, thuộc P2) xin báo về giúp theo địa chỉ: Bà Trương Thị Tám, đội 4, thôn Bắc Châu, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. |
Theo Quân đội nhân dân
9 tháng trước
2 năm trước
2 năm trước
2 năm trước
2 năm trước