Chúng tôi đặt chân đến Hưng Yên vào những ngày cuối tháng 8, thời điểm bắt đầu vào mùa thu hoạch nhãn lồng. Nắng thu vàng hắt nhẹ vào những trùm nhãn chín mọng, tạo nên bức tranh tuyệt đẹp cho vùng quê yên ả ven sông Hồng, như muốn níu chân du khách.
Nếu trước đây, đất Hưng Yên trồng nhiều nhất giống nhãn Hương Chi (hay còn gọi là nhãn đường phen), nay có thêm nhiều giống nhãn khác nhau. Dựa vào màu sắc, hương vị của quả nhãn mà người dân đặt tên các loại như: Nhãn thóc, nhãn cùi, nhãn nước, nhãn đường phèn, nhãn Miền...
Do chất đất, được bồi đắp phù sa từ dòng sông Hồng, nên Hưng Yên trồng cây nào cũng cho quả ngọt. Mỗi mùa một đặc sản. Từ cuối hè sang thu là mùa nhãn chín rộ. Nắng dọc những vườn nhãn, tạo nên mảng màu bắt mắt.
Nhãn gắn bó với người, với đất Hưng Yên như máu thịt từ bao đời nay. Những chùm nhãn đầu tiên của đời cây là sản vật dâng lên tổ tiên đất trời, mời họ hàng. Sau đó, người dân mới mang bán, mang cho. Chính vì vậy, người dân Hưng Yên yêu nhãn, gắn kết và trân trọng nhãn. Ảnh: Bích Hà
Năm nay, nhãn Hưng Yên còn được giá, nhãn Hương Chi (nhãn lồng gốc) bán buôn tại vườn dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg. Ảnh: Bích Hà
Nhãn Miền cho quả to, sai, năng suất cao cũng được thương lái mua buôn với giá từ 20.000-30.000 đồng. Nhiều hộ dân ở Hưng Yên thu lãi vài trăm triệu, có nhà thuhàng tỉ đồng nhờ trồng nhãn. Ảnh: Bích Hà
Khắp các vườn nhãn, người dân đang hối hả thu hoạch. Ảnh: Bích Hà
Mùa nhãn về, những trái nhãn lúc lỉu trên cây. Trái chín mọng, trĩu cành, níu mắt người.
Nếu du khách về Hưng Yên những ngày này, sẽ không chỉ được chiêm ngưỡng màu vàng của nhãn chín, mà còn được nếm những trái nhãn vừa hái, với vị ngọt thơm khác lạ.
Từng quả nhãn căng mọng, thơm dịu mời gọi.
Có những chùm nhãn sai quả. Một chùm nặng tới cả cân.
Nếu ngồi dưới gốc nhãn nhìn lên, sẽ thấy cảnh tượng vô cùng đẹp mắt. Những chùm nhãn lúc lỉu quả, sà xuống mặt người.
Nhãn lồng Hưng Yên còn là thứ quà quý, được đưa đi khắp các miền đất nước, sang cả nước ngoài, mang theo bao tình cảm của người trồng nhãn. Ảnh: Bích Hà
Theo Lao động