Sáng 17/3 tức mồng 1/2 năm Mậu Tuất, thôn Đào Đặng xã Trung Nghĩa thành phố Hưng Yên long trọng khai mạc lễ hội truyền thống tưởng niệm 1978 năm tướng quân Trần Hữu cùng 7 người con ra quân phò trợ Hai Bà Trưng đánh quân Đông Hán.
Đền chính thờ tướng công Trần Hữu ở làng Đào Đặng
Theo các sử liệu, vào tháng 2 mùa xuân năm Canh Tí tức năm 40 sau công nguyên, tướng quân Trần Hữu cùng 7 người con phò trợ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Tô Định khỏi bờ cõi nước ta. Sau khi Hai Bà Trưng lên ngôi vua đóng đô ở Mê Linh, ngài và 7 người con được phong làm đại tướng quân.
Tướng công Trần Hữu tạ ơn và cùng 7 người con về quê chiêu dân lập ấp trấn ải vùng bãi biển, lập làng Đào Trang, tức làng Đào Đặng ngày nay. Ngài vừa làm thuốc chữa bệnh cho dân, vừa dạy dân trồng cấy, đồng thời tích trữ lương thảo, thao luyện quân sĩ.
Năm 43 sau công nguyên, nhà Đông Hán sai Mã Viện xuống xâm lược nước ta. Trước thế giặc quá mạnh, Hai Bà Trưng tuẫn tiết, tướng công Trần Hữu cùng 7 người con tử trận.
Vào ngày 6 tháng chạp năm 43, để tưởng nhớ ngài và các con, nhân dân dựng đền thờ ngài và các con trên mảnh đất ngài đã xây dựng. Đồng thời lập đình và tôn ngài làm thành hoàng làng.
Thực hiện nghi thức tế ở đền chính
Lễ hội truyền thống tưởng niệm tướng quân Trần Hữu cùng 7 người con ra quân đánh giặc được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 2 âm lịch hằng năm. Lễ hội bắt đầu với lễ tế của 5 giáp là giáp Nam, giáp Thượng, giáp Lễ, 2 giáp Trung Cầu. Sáng 1/2, 5 giáp rước kiệu và đem lễ vật từ đền giáp về đền chính ở giữa làng.
Sau khi tiến hành các lễ tế truyền thống, lễ rước được khởi hành từ đền chính về đình làng. Các kiệu giáp được rước trước về đình. Riêng kiệu bát cống rước tướng công Trần Hữu được rước qua các đền giáp, đền thờ bà Đào Nương rồi mới về đến đền chính để chính thức khai hội. Đến ngày mồng 4 tháng 2 sẽ rước kiệu tướng công Trần Hữu về đền chính và các kiệu giáp về đền giáp.
Lễ hội ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như múa lân rồng, hát quan họ, chơi cờ tướng, dạ hội, v.v...
Múa rồng ở lễ hội tướng công Trần Hữu
Lễ hội truyền thống làng Đào Đặng ngoài lễ hội tưởng niệm tướng công Trần Hữu cùng 7 người con còn diễn ra lễ hội đền bà Đào Nương vào hôm sau, ngày mồng 2 tháng 2.
Bà là người con của quê hương Đào Đặng, tài sắc vẹn toàn, hát hay đàn giỏi, có công đem tiếng hát của mình diệt giặc Minh ở thế kỷ 15. Bà chính là 1 trong 6 vị tổ của nghệ thuật hát ca trù.
Lễ hội đền Đào Nương ngoài tế nam, tế nữ cũng tiến hành rước kiệu của bà về đình làng và ngược lại. Trong khuôn khổ lễ hội nhiều năm liền còn diễn ra các cuộc diễn xướng hát ca trù đặc sắc.
Đào Đặng là làng quê đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ với nhiều đình, đền, chùa, cây đa, giếng nước. Nơi đây cũng lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc như lễ mở cửa nhà thờ, tục khao lão, tục làm cỗ chay ngày tết, v.v...
Một số hình ảnh lễ hội tưởng niệm 1978 năm tướng công Trần Hữu và 7 người con ra quân đánh giặc:
Từ sáng sớm, 5 giáp chuẩn bị lễ vật và rước kiệu về sân đền chính
Sau khi thực hiện các nghi thức tế lễ, dâng hương, đoàn rước bắt đầu với việc rước các kiệu giáp về đền chính
Khi đám rước đi qua, các xóm đều bày hương án, lễ vật để bái thánh
Đoàn rước về đến sân đình làng
Kiệu rước tướng công Trần Hữu đi sau cùng
Kiệu rước ngài đi quanh làng, qua đền mẫu Đào Nương, đền các giáp. Địa điểm cuối cùng trước khi trở về đình làng là đền Đống Hới thuộc 2 giáp Trung Cầu
Hội làng Đào Đặng diễn ra lúc mùa xuân ấm áp, vụ chiêm xuân đã cấy hết diện tích
Kiệu tướng công Trần Hữu về đến đình làng
Rước bát hương thờ tướng công Trần Hữu vào hậu cung đình làng
Cụ đốc làng Trần Văn Hoạt, 93 tuổi, đánh trống khai mạc lễ hội, bắt đầu 4 ngày lễ hội tưng bừng ở làng Đào Đặng
Ngay tại sân đình làng diễn ra màn múa lân...
hát quan họ, chầu văn...
Ở ao trước cửa đình diễn ra canh hát quan họ
Hoàng Linh
4 năm trước
8 năm trước
7 năm trước
7 năm trước
7 năm trước