Hội vật lầu trong lễ hội đình Quan Xuyên xã Thành Công huyện Khoái Châu diễn ra trong 2 ngày 28-29/3 tức 12-13/2 âm lịch năm Mậu Tuất 2018 được tổ chức tưng bừng với những giá trị truyền thống và nét nhân văn đặc sắc. Hungyentv.vn trân trọng giới thiệu chùm ảnh về lễ hội đặc sắc 3 năm mới có 1 lần này.
>>> Phim tài liệu: Đình Quan Xuyên và lễ hội vật lầu
Nằm trong khuôn khổ lễ hội đình làng Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu được tổ chức 3 năm 1 lần (các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi) từ ngày 12-14/2 âm lịch. Hội vật lầu được tổ chức trong 2 ngày 13 và 14/2. Sau khi được khôi phục từ năm 1991, đây mới là lần thứ 3 diễn ra hội vật lầu ở làng Quan Xuyên.
Tham gia vật lầu là 72 tráng đinh trong thôn, được chia làm 2 đội làng Thượng và làng Hạ với trang phục đỏ và xanh. Chiều 13/2 âm lịch, trước khi bước vào hội vật, các tráng đinh tiến hành dâng lễ thánh và tế lầu tại đình làng.
Quả lầu được làm bằng gỗ, sơn son, to khoảng 1 vòng tay người ôm. Sân vật lầu là mảnh ruộng ngay trước cửa đình, được đào 1 hố to khoảng 1,2m đổ đầy nước là hố lầu cái và 2 hố lầu con cách hố lầu cái 36m.
Trước khi vật lầu là vật lão. Hai cụ cao niên trong thôn sẽ vật biểu diễn 3 keo ngay trước sân đình, kết quả thường là hòa. Vật lão ngoài tinh thần thượng võ còn thể hiện sự tôn trọng người cao niên. Quanh thắt lưng 2 cụ vật lão sẽ đeo những sợi tua rua màu đỏ.
Sau khi vật lão kết thúc, các trai đinh sẽ xông vào cướp cho mình 1 sợ dây tua rua màu đỏ và buộc vào cổ tay để lấy may mắn
Sau khi tế lầu xong, quả lầu sẽ được trai đinh 2 làng chuyền tay nhau đem ra hố lầu cái
Trước khi vào trận, "lầu thủ" 2 đội chạy 1 vòng ngược chiều nhau quanh sân lầu chạm tay vào nhau để thể hiện sự hữu hảo
Chuẩn bị xuất phát. Do 3 năm hội mới diễn ra 1 lần nên rất đông dân làng cùng khách thập phương đến xem hội. Họ đứng chật kính xung quanh sân lầu.
Khi có hiệu lệnh từ tiếng kẻng của người chủ trò ở giữa sân, 72 chàng trai cùng ào lên hố lầu cái
Mỗi đội đều cố gắng đưa quả lầu khỏi hố và dùng lưng đẩy quả lầu về phần sân đội mình. Đội bên kia cũng dùng lưng cố gắng ngăn lại.
Do quan niệm làng nào thắng sẽ gặp nhiều may mắn trong năm còn làng kia gặp nhiều đen đủi nên cả hai đội đều cố gắng... hòa để cả làng mình và làng bạn đều không phải gặp đen đủi. Khán giả thì hò reo cổ vũ cho cả 2 đội.
Do đó, các keo đấu thường kết thúc với kết quả hòa. Giữa các keo hai bên về sân đình nghỉ khoảng 15 phút.
Dù mệt và khá lạnh nhưng các "lầu thủ" vẫn rất vui
Sau khi kết thúc giờ nghỉ, quả lầu lại được chuyền ra sân lầu
Keo đấu lại được bắt đầu với hình thức như keo trước, nhưng lúc này trang phục và cơ thể của các "lầu thủ" đều đầy bùn đất
Khán giả khó có thể phân biệt được "lầu thủ" hai bên nếu không nhìn vào dây buộc đầu của mỗi đội
Vật lầu có tính đua tranh nhưng không quá quyết liệt và không hề xảy ra xô xát, ẩu đả như một số lễ hội khác, mà vẫn diễn ra rất vui vẻ
Hết thời gian quy định, cả 2 đội vẫn chưa đội nào đưa được quả lầu về hố lầu của mình, tiếp tục bất phân thắng bại. Quả lầu lại được đưa về đình để chiều hôm sau thi đấu nốt keo cuối, còn gọi là keo tạ lễ. Keo này cũng kết thúc với tỉ số hòa. Vật lầu ngoài tinh thần thượng võ còn mang tính biểu tượng cao của tín ngưỡng dân gian trong nông nghiệp. Nét đẹp ở lễ hội này là tinh thần đoàn kết, gắn bó, hữu hảo giữa các cộng đồng, không xảy ra xô xát, đánh nhau
Phần hội của lễ hội đình Quan Xuyên ngoài vật lầu còn có nhiều trò chơi khác như cờ tướng, kéo co, đu quay, bịt mắt đập niêu, bắt lợn, bắt vịt, biểu diễn võ thuật, v.v...
Hoàng Linh
4 năm trước
8 năm trước
7 năm trước
7 năm trước
7 năm trước