Để không còn nạn bảo kê máy gặt

Thứ 4, 13.06.2018 | 14:25:31

Hiện nay xuất hiện tình trạng một nhóm đối tượng thường xuyên đến các địa phương để bảo kê máy gặt. Nhiều chủ máy gặt biết tình trạng này, nhưng không dám tố giác, còn một số chính quyền, các ngành chức năng thì thiếu kiểm tra, giám sát, khiến cho tình trạng này chưa chấm dứt. Ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. 

Các chủ máy gặt thường lo sợ khi có đối tượng bảo kê đến thu tiền

Theo chúng tôi, có mấy nguyên nhân khiến cho tình trạng bảo kê máy gặt vẫn diễn ra. Đó là lợi nhuận thu được từ các chủ máy gặt khá cao, chỉ làm theo mùa vụ, khoảng 3 tuần đến 1 tháng, nhiều chủ máy gặt không dám lên tiếng tố cáo, chính quyền một số xã, công an từ xã tới huyện chưa quan tâm xử lý tình trạng này. 

Lợi nhuận cao, thời gian thu hoạch ngắn. Vì theo các chủ máy gặt, họ đầu tư 500 đến 600 triệu đồng một máy gặt, nhưng cả năm chỉ làm khoảng 1 tháng rưỡi. Còn lại là " treo" máy. Nhưng nếu như một chủ máy gặt tự điều khiển được, thì có thể thu lãi 150 đến 200 triệu một vụ. Có nghĩa là mỗi ngày, vào vụ gặt, từ chi phí có thể lãi từ 6 đến 8 triệu đồng. Nhiều chủ máy gặt làm cả đêm, số tiền thu lãi có thể cao hơn. 

Thấy được lợi ích như vậy, một nhóm người, chủ yếu là các thanh niên lêu lổng đã đứng ra bảo kê, ở đây có thể hiểu là làm công tác đảm bảo an ninh trật tự cho các chủ máy gặt làm ăn, và " thu phế". Cao thì 5 đến 7 triệu một vụ với một chủ máy, hoặc có thể thấp hơn, tùy vào mối quan hệ. Có những chủ máy lúc đầu không chịu nộp, vì nghĩ rằng mình chỉ có một máy,  làm ở địa bàn thôn nhà mình còn không hết việc thì phải đi đâu làm nữa mà phải có người đứng ra " đảm bảo an ninh trật tự" . Nhưng thực tế không phải như vậy, các đối tượng này ngay lập tức "điều" các chủ máy gặt ở nơi khác đến gặt ở địa bàn này, hạ giá, thậm chí, còn đến phá máy và đánh đập chủ máy gặt như đã xảy ra ở thị trấn Lương Bằng huyện Kim Động hồi tháng 10 năm 2017. 

Chính vì vậy, mà các chủ máy gặt thường có tư tưởng "tặc lưỡi", thôi nộp cho xong còn yên ổn làm ăn. Thời vụ chỉ có khoảng 3 tuần, thu lãi cả trăm triệu đồng, bỏ ra mấy triệu thì cũng có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, như chúng tôi đề cập ở trên, để xảy ra tình trạng như vậy, còn do chính quyền một số địa phương, cụ thể là các thôn, xã và lực lượng công an chưa quan tâm để giải quyết, xử lý. Bởi nếu chính quyền xã, thôn  mạnh, lực lượng công an vào cuộc, chỉ cần túc trực ở các cánh đồng vào mùa gặt, có đường dây nóng thông báo. Để khi xảy ra tình trạng đối tượng đến đòi bảo kê, sẽ thông báo ngay cho công an xã hoặc huyện, thì sẽ không có ai dám đến bảo kê nữa. Trên thực tế Công an Kim Động và Công an Khoái Châu đã bước đầu làm tốt việc này. Đó là bắt các đối tượng đến đòi bảo kê và " trấn " tiền của các chủ máy gặt trong vụ mùa năm 2017. 

Việc bảo kê máy gặt ở nhiều địa phương không chỉ gây bất ổn an ninh nông thôn mà còn xảy ra việc các chủ máy gặt thường "kênh" giá lên cao. Ví dụ, bình quân một sào lúa, công gặt chỉ khoảng 100 đến 110 nghìn đồng. Nhưng, khi bị các đối tượng bảo kê bắt đóng tiền, các chủ máy, có tư tưởng mình nghiễm nhiên được thu hoạch ở vùng này, không ai dám vào đây cạnh tranh, nên tự thỏa thuận với thôn, xóm thu thêm 20 hoặc 30 nghìn đồng một sào. Thậm chí như chúng tôi được biết, năm 2017, ở phường An Tảo, Thành phố Hưng Yên, người dân phải thuê đến 150 nghìn đồng để gặt một sào lúa. Trong khi các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống liên tục tăng và nếu thuê cả công cấy, mà lúa năng suất thấp thì người dân sẽ không có lãi khi cấy lúa, thậm chí còn lỗ.

Công an Kim Động khởi tố đối tượng bảo kê và đánh chủ máy gặt tháng 10 năm 2017

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng bảo kê máy gặt, theo chúng tôi, cần tăng cường tuyên truyền để các chủ máy gặt biết được việc bảo kê máy gặt của một nhóm đối tượng là vi phạm pháp luật. Ngành công an cần vận động và có cơ chế bảo vệ để họ mạnh dạn tố giác các đối tượng bảo kê. Chính quyền thôn, cần họp bàn các chủ máy gặt với đại diện người dân đề ra mức giá thuê hợp lý, đồng thời có biện pháp phối hợp với lực lượng chức năng và chính người dân tham gia bảo vệ các chủ máy khi bị các đối tượng xấu đe dọa, hành hung. Trên thực tế, đã có một số địa phươg làm tốt việc này. Ví dụ như các thôn ở xã Hồng Quang huyện Ân Thi vào trước vụ gặt đã chủ động bàn bạc với các chủ máy đưa ra mức gía thuê là 120 nghìn đồng/sào lúa. Đồng thời có các biện pháp để bảo vệ chủ máy, trong đó thống nhất cho các chủ máy gặt ở nơi khác vào gặt tại địa bàn với giá cạnh tranh nhưng phải đảm bảo chất lượng để người dân so sánh và lựa chọn trước khi quyết định thuê ai gặt cho mình.

Cuộc chiến với các đối tượng bảo kê máy gặt có thể còn dài. Tuy nhiên, chỉ khi chính quyền mạnh, lực lượng công an quyết liệt vào cuộc và các dịch vụ cần công khai minh bạch, mà ở đó chính quyền thôn công minh đứng ra chắp nối để người dân và các chủ máy gặt bàn bạc đi đến thống nhất giá, thì mới có thể hạn chế được nạn bảo kê máy gặt đang gây bức xúc cho dư luận ở các địa phương. 

Bá Phước  

 

 

Tin cùng chuyên mục

  • Lãnh đạo phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào lĩnh án do bán đất trái thẩm quyền

    Lãnh đạo phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào lĩnh án do bán đất trái thẩm quyền

     1 tháng trước

  • "Trắng tay" vì bẫy lãi suất cao

     1 tháng trước

  • Doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường

    Doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường

     2 tháng trước

  • Cảnh báo tình trạng tội phạm giả danh công an gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân

    Cảnh báo tình trạng tội phạm giả danh công an gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân

     2 tháng trước

  • Hưng Yên xử phạt 46 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

    Hưng Yên xử phạt 46 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

     3 tháng trước