Nét đẹp nghề làm tương Bần - đặc sản Hưng Yên

Thứ 3, 27.08.2019 | 17:25:23

Có dịp đến ghé qua thị trấn Bần, xã Yên Nhân, huyện Mỹ Hào bạn sẽ không thể không ghé vào những hiệu bán tương - một đặc sản nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc để mua vài ba lít về làm quà.

Tương Bần là thứ sản vật đặc trưng rất ngon nổi tiếng khắp nơi, từng dùng để tiến vua và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người yêu thích bao đời nay.

Công đoạn để làm ra những giọt tương thơm ngon rất công phu và mất thời gian. Để có những bát tương vàng ươm, thơm nức đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm rất nhiều từ bàn tay của người thợ và “bí quyết” của từng gia đình và phải mất thời gian đến hai tháng người thợ mới cho ra được một mẻ tương ngon.

Nguyên liệu để làm tương gồm gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương. (Ảnh hungyentv)

Gạo nếp được đem ngâm rồi nấu chín thành xôi sau xới ra nong, nia và để 2 ngày 2 đêm cho xôi lên mốc vàng. Đỗ tương được rang vàng đem xay nhỏ và ngâm trong chum sành với nước từ 7 đến 10 ngày để đỗ lên màu vàng đỏ. (Ảnh hungyentv)

Sau 2 ngày 2 đêm, khi xôi nếp lên mốc thì đem ra xoa đều cho các hạt xôi tơi. Dùng nước đỗ ngâm trong chum sành tưới lên mốc và trộn thật đều rồi để tiếp 1 ngày 1 đêm nữa cho xôi lên mốc vàng. Tiếp đó cho mốc vào chum đỗ đã ngả cùng muối tinh với lượng phù hợp và khuấy đều rồi phơi ngoài trời nắng.

Nắng là một phần quan trọng quyết định đến chất lượng của tương. Nắng càng to thì tương càng vàng, càng sánh và tương sẽ nhanh ngấu hơn. Nắng yếu màu tương sẽ xỉn, ít có mùi thơm và lâu ngấu. Vì thế mà người làng Bần thường làm tương nhiều vào mùa hè và thu để tương được “đã nắng”.

Tương được phơi nắng trong vòng ít nhất 1 tháng và luôn được theo dõi cẩn thận. Hàng ngày người thợ phải mở nắp chum khuấy đều và cho thêm nước vào tương, trời nắng thì phơi, trời mưa thì phủ kín miệng để nước mưa không lọt vào tương nếu không tương sẽ bị ủng.

Phơi tương cho tới khi nếm thử thấy nước tương ngọt sánh đậm đà, hạt xôi mềm, màu tương vàng sậm như mầu mật ong là tương đã ngấu.

Tương Bần đã trở thành thứ nước chấm đặc sản được thực khách khắp nơi yêu thích và cũng đã trở thành một món ăn đặc sản không thể thiếu của người Hà Thành, vì vậy người xưa có câu ca dao ca ngợi: “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì; Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”.

Ngày nay, nghề làm tương Bần không chỉ được biết đến là loại nước chấm đặc sản mà hình ảnh nghề làm tương còn được nhiều nhiếp ảnh gia khai thác và tôn vinh vẻ đẹp của làng nghề.

Theo HanoiTV - Ảnh: Phạm Doãn Quang

Tin cùng chuyên mục

  • Nhãn lồng Hưng Yên - đặc sản tiến vua

    Nhãn lồng Hưng Yên - đặc sản tiến vua

     4 năm trước

  • Nhìn lại khoảnh khắc đăng quang của tân vương Robocon Việt Nam 2017

    Nhìn lại khoảnh khắc đăng quang của tân vương Robocon Việt Nam 2017

     7 năm trước

  • Thăm chùa Nôm - Linh thông cổ tự

    Thăm chùa Nôm - Linh thông cổ tự

     7 năm trước

  • Khoái Châu: Giống chanh cho năng suất 1 tạ/năm, quả còn to gấp 3 lần bình thường

    Khoái Châu: Giống chanh cho năng suất 1 tạ/năm, quả còn to gấp 3 lần bình thường

     7 năm trước

  • "Đã mắt” khám phá thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên

     7 năm trước