Lá thư quê nhà: Nỗi nhớ những mùa hoa…
Anh Bình thân!
Quê nhà tháng ba âm lịch trời đẹp. Sáng se lạnh, trưa chiều nắng ấm. Nơi nơi, nhãn trổ hoa vàng, lúa vươn xanh đồng. Dịp Thanh minh bà con xa quê về đông. Cháu con hương khói, trước là sửa sang phần mộ cho ông bà tổ tiên, sau nữa là anh em gặp mặt. Việc đó tốt phải không anh, vừa tăng phần hiếu nghĩa, vừa làm cho cháu con thêm gắn bó với cố hương. Tất nhiên, mỗi dịp Thanh Minh, những người như anh và tôi càng nhớ quê. Chúng mình đều đã ngoài năm mươi cả rồi. Chốc đó mà đã xa quê mấy chục niên. Những con đường đất, những mái nhà lợp rạ, tháng ba mùa hoa xoan, mùa hoa dành dành, mùa câu tôm mãi là những hình bóng không bao giờ tôi quên. Như anh biết, quê nhà đổi khác. Làng ta như phố xá. Nhà nào cũng ti vi quạt điện, có nhà còn lắp điều hoà nhiệt độ. Nhưng dân làng phải bôn ba xuôi ngược mưu sinh nhiều hơn. Người vào Tây Nguyên, người đi Đài Bắc... Cùng một nỗi niềm của người xa xứ là nhớ quê, nhớ mẹ.
Tôi và anh cũng thế. Tôi ở gần quê hơn anh. Còn anh ở mãi tít nước Nga. Anh vẫn nhớ chứ: Tháng ba thời thơ ấu chúng ta là mùa hái hoa xoan, hoa dành dành và mùa câu tôm. Ngày ấy, hoa xoan cao cao tím tím khắp vườn nhà, còn hoa dành dành thâm thấp trắng muốt ngoài đường kiệu ao đình. Chúng mình khi thì vác cả cành xoan tím trên vai, lúc thì vẽ từng cọng hoa mềm mượt nhẹ xốp cắm lên đất cát, hoặc cài hoa xoan lên khung cửa … Còn hoa dành dành thì bọn mình hái mang lên chùa, lên đình, những cánh hoa trắng muốt nhuỵ vàng, mà lại thơm ngát, cuống lại ngọt lịm. Cũng có khi bọn mình tết thành vòng hoa đội đầu, nhìn nhau càng nghịch ngợm đáng yêu. Dường như là để thả sức cho bọn mình hái nên hoa dành dành rất sai, hái mãi không hết, lúc hoa già kết quả. Quả dành dành nho nhỏ thon dài, ruột vàng tươi, tô lên giấy lên tường, chả có màu vàng nào lại tươi như thế. Quả dành dành giã nấu canh cá diếc, bát canh vừa đẹp vừa ngon. Tháng ba cũng là mùa câu tôm. Bọn mình lúc câu bên sông Cửu An, lúc câu ao đình. Để làm ra cần câu mình phải tìm khắp các bụi tre chặt cành, rồi đi xin các dây thép ở phanh xe đạp (có khi là phanh đang tốt cũng dỡ lấy dây thép) về mài vào đá hoặc mài vào chum để cho nhọn sắc. Nhọn rồi thì uốn lưỡi câu cong cong nho nhỏ, đầu trên thì uốn gặp để buộc chỉ cho chặt. Thế rồi cầm rá đi xúc tép, lùa rá vào đám bèo, rũ rũ vài cái vứt bèo ra, nhấc rá lên, tép nhảy lao xao. Mỗi đưa ba bốn cành câu, chiều nhá nhem tôm cắn nhiều hơn, nhấc con tôm lên, cành câu cong cong nằng nặng, thích ơi là thích …
Anh Bình thân! Tôi nhắc lại hoa xoan, hoa dành dành và mùa câu tôm thời chúng mình vì nay ao đình và đường kiệu bị lấp để nhường đất tái định cư. Còn vườn xoan xưa nay thành nhãn hoặc thành đất ở. Vậy nên trẻ em thời nay mất các trò chơi gần gũi với thiên nhiên làng quê phải không anh. Nghĩ mà thương các cháu, nhiều nơi không còn đất để các cháu vui chơi … Rất mừng là vừa rồi, tỉnh tổ chức giái bóng đá như đồng tại thành phố Hưng Yên. các cháu thi đấu rất hồn nhiên mà không kém phần căng thẳng. Đội Mỹ Hào nhất, đội thành phố Hưng Yên nhì, hai hiệp chính hai đội hoà ba đều, trận đấu phải giải quyết bằng sút phạt luân lưu. Bên ngoài trống đánh hò reo, người lớn mừng vì các cháu được chơi những trận cầu sôi nổi. Nhưng cũng có đề nghị Ban tổ chức làm gấp quá, có 3 ngày bắt các cháu đá 5 trận, thế là giảm đi thành công của giải đấu. Cũng tại thành phố vào các ngày 6, 7, 8 tháng 3 âm lịch sẽ có lễ hội dân gian Phố Hiến. Đây là lễ hội hàng năm của thành phố. Sẽ có nhiều cuộc rước và trò chơi dân gian, tôi sẽ kể anh nghe vào thư sau.
Chúc anh chị và các cháu vui khoẻ thành đạt!
Thân!
Nguyễn Công
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận